16/01/2025
BÀN VỀ THỰC TẬP SINH PHÁP LÝ (KỲ 1)
BÀN VỀ THỰC TẬP SINH PHÁP LÝ
(Đăng kỳ 1)
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn về nghề luật, thực tập sinh pháp lý đang là một trong các chủ đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đã có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc thực tập sinh pháp lý có nên được trả thù lao hay một hình thức hỗ trợ tài chính nào khi họ thực tập tại các tổ chức hành nghề luật hay không, hay về việc các tổ chức hành nghề luật giao cho thực tập sinh pháp lý làm những công việc ngoài chuyên môn có phải là lợi dụng lao động giá rẻ hay bóc lột không.

Thực tập sinh pháp lý (legal intern) có thể được hiểu là những người, thường là sinh viên hoặc người vừa tốt nghiệp ngành luật, làm việc trong các môi trường hành nghề luật để học hỏi kinh nghiệm thực tế và phát triển kỹ năng chuyên môn. Hoạt động thực tập có thể bao gồm các công việc như hỗ trợ nghiên cứu pháp lý, phân tích văn bản pháp luật, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, tham gia soạn thảo các tài liệu như hợp đồng, ý kiến tư vấn pháp luật, quan sát và học hỏi các kỹ năng hành nghề thực tế, chẳng hạn như tham gia phiên tòa hay cuộc họp với khách hàng … Việc tham gia hoạt động thực tập sinh pháp lý này sẽ giúp thực tập sinh hiểu được sự khác biệt giữa lý thuyết tại trường đại học và thực tế hành nghề, đánh giá được khả năng của mình và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, xây dựng mạng lưới mối quan hệ (networking) trong nghề luật.
Có thể thấy rằng các bài đăng tuyển thực tập sinh pháp lý trên các diễn đàn về nghề luật xuất hiện khá phổ biến trong thời gian gần đây, có lẽ còn nhiều hơn so với các bài đăng về tuyển dụng các vị trí làm việc chính thức. Điều này có thể lý giải trước tiên từ nhu cầu của các tổ chức hành nghề luật khi họ cần một lực lượng lao động để thực hiện các công việc hành chính hỗ trợ, chẳng hạn như giao nhận hồ sơ, gặp khách hàng, tra cứu sắp xếp tài liệu… Một số tổ chức coi thực tập sinh như các ứng viên tiềm năng cho vị trí nhân viên chính thức, cho nên thực tập sinh có thể được xem như một “giai đoạn thử nghiệm” nơi hai bên cùng đánh giá mức độ phù hợp với nhau, phát triển lực lượng kế cận lâu dài cho tổ chức các tổ chức hành nghề luật.

Về phía các thực tập sinh pháp lý, nhu cầu được tham gia vào các hoạt động mang tính thực tiễn để hiểu rõ hơn về các kiến thức lý thuyết mang tính hàn lâm được thầy cô cung cấp trên giảng đường cũng là một nhu cầu rất lớn. Ngày nay, có thể dễ dàng bắt gặp những bài đăng tìm vị trí thực tập sinh pháp lý của các sinh viên năm thứ 2 ngành luật. Như trên đã đề cập, việc tham gia hoạt động thực tập sinh pháp lý không chỉ mang lại những trải nghiệm mang tính thực tiễn cho sinh viên mà còn giúp họ có thêm các kỹ năng cũng như bản lĩnh, sự tự tin và các mạng lưới nhất định chuẩn bị cho việc tham gia thị trường lao động. Đối với những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp hay vừa mới tốt nghiệp, việc thực tập có thể còn là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện để đủ điều kiện tốt nghiệp; cũng đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong hồ sơ xin việc. Câu chuyện “sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm” và “muốn được tuyển dụng thì phải có kinh nghiệm” sẽ được giải quyết thông qua hoạt động thực tập sinh pháp lý.
Như vậy, có thể thấy rằng thực tập sinh pháp lý là một vị trí tồn tại dựa trên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa người thực tập nghề luật và tổ chức hành nghề luật, vì vậy về căn bản nó nên được điều chỉnh trên tinh thần tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, thực tập sinh pháp lý là bên yếu thế hơn, cần được bảo vệ nhiều hơn và/hoặc cần có ý thức tự bảo vệ hơn thông qua các cam kết, thoả thuận chính thức trước và trong khi tham gia vào hoạt động thực tập sinh pháp lý.
(Còn tiếp)